Bài này sẽ giải mã 3 bí mật về phát âm mà bạn có thể đang hiểu nhầm
1. Người lớn bắt buộc phải học phát âm
Điều này không hẳn đúng. Có nhiều người có thể nghe và nói Tiếng Anh mà không cần học phát âm. Bởi lẽ, tai của họ có thể nghe được âm và cách nói của Tiếng Anh, từ đó bắt chước tạo lại. Trẻ nhỏ với khả năng bắt chước thiên bẩm và một tư duy mở, chấp nhận ngôn ngữ mới thì việc học này là không cần thiết, thậm chí là không nên.
Tuy nhiên, đối với những người đã nói Tiếng Việt quá lâu và không có khả năng dùng tai nghe để bắt chước lại âm, thì việc học lại phát âm là cần thiết. Điều này giúp họ hiểu ra cách thức để tạo ra những âm của Tiếng Anh. Tuy vậy, chỉ học thôi là chưa đủ, người lớn học Tiếng Anh cần dùng cả tai để nghe ra âm và bắt chước lại cho tới khi thành thục.
Tóm lại, đối với một người lớn khi học Tiếng Anh, việc học Phát Âm là bước đầu vô cùng cần thiết, đây như là một công cụ giúp người học có được hiểu biết về âm và cách nói Tiếng Anh. Sau đó, người học vẫn cần phải trải qua giai đoạn luyện tai để hoàn thiện giống như trẻ nhỏ học Tiếng Anh tự nhiên. Chỉ khi bạn nghe được Tiếng Anh thì bạn mới nói được Tiếng Anh.
2. Học phát âm là học bảng phiên âm IPA với những chữ loằng ngoằng
Điều này chưa hề đủ và thậm chí còn chưa đúng. Học phát âm gồm 2 giai đoạn chính
- Gò miệng: Giai đoạn bạn luyện tập dựa trên kiến thức để gò miệng theo cách phát âm, cách nói của Tiếng Anh. Giai đoạn này Tiếng Anh bạn nói nghe sẽ hơi tròn âm, hơi đều đều, thiếu tự nhiên.
- Luyện tai: Nghe để có thể nhận ra được những âm, từ và câu mà bạn đã biết gò miệng tạo ra sao và kết nối âm thanh nghe được với miệng đã được gò. Giai đoạn này là giai đoạn quan trọng hơn, quyết định bạn có thể nói được Tiếng Anh hay không. Giai đoạn này sẽ giúpTiếng Anh bạn nói nghe tự nhiên trở lại. Cũng từ việc nghe, bạn cũng sẽ phân biệt được cách tạo âm có đôi chút khác nhau giữa các Quốc gia hay thậm chí các vùng miền khác nhau trong cùng một đất nước.
Ngay trong giai đoạn gò miệng, việc học các âm cơ bản (44 âm) cũng chỉ là bước đầu của học phát âm. Bạn cần vượt qua 4 giai đoạn
- Âm cơ bản – Học 44 âm cơ bản, cách tạo ra chúng như thế nào
- Từ – Ghép các âm cơ bản vào thành từ, nói từ có trọng âm, nói từ không bỏ qua âm nào
- Cụm từ – Ghép các từ thành cụm từ biểu đạt một ý nghĩa cụ thể
- Câu – Nói cả một câu với nhịp điệu và ngữ điệu, nhấn vào thông tin quan trọng
Bạn thấy đó, việc học phiên âm có lẽ chỉ chiếm 10% thời lượng bạn sẽ bỏ ra để luyện phát âm. Để thay đổi hệ phát âm cũ sang mới.
Tuy nhiên, bạn thậm chí còn không cần phải biết IPA. Bởi vì thứ bạn cần là âm /p/ được tạo ra như thế nào, chứ không phải là ký hiệu của nó ra sao. IPA có lẽ đã lỗi thời. Ngày xưa cách duy nhất để biết một từ nói như thế nào là tra từ điển và nhìn phiêm âm. Còn hiện nay, Internet đã quá phát triển, bạn có thể tìm và nghe được người bản xứ nói trực tiếp chữ đó ra sao nên phiên âm không còn quá quan trọng. Thậm chí, mỗi cuốn từ điển lại có một ký hiệu khác nhau. Ví dụ Google dịch không sử dụng bảng phiên âm IPA.
3. Học phát âm để nói như người bản xứ
Điều này là sai. Chúng ta đã ăn quá nhiều mắm tôm để có thể nói giống người bản xứ. Đùa chút cho vui nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn là điều này rất khó mà cũng không tội gì phải làm như vậy. Giọng điệu rất khó để bắt chước, giống như việc người Hà Nội dù có muốn cũng rất khó nói giọng Sài Gòn được. Giọng (accent) không phải là một phần chính của phát âm. Sự thật là bạn học phát âm là để bạn có thể nói dễ nghe, dễ hiểu hơn cho người khác và hỗ trợ kỹ năng nghe của bạn chứ bạn không phải để trở thành một người Mỹ.
Và còn rất nhiều điều bạn hiểu sai về phát âm nữa. Để có thể hiểu rõ ràng và chi tiết hơn, bạn hãy đăng ký khóa học phát âm của TATH tại đây: Phát âm chuẩn Mỹ